Khu bảo tồn biển Phú Quốc - Nơi cất giữ “báu vật vô giá” của biến cả

Khu bảo tồn biển Phú Quốc luôn là điểm dừng chân thú vị cho du khách có niềm đam mê với thiên nhiên bởi sự đa dạng về các giống loài đại dương cũng như hệ sinh thái phong phú. Cùng HoaBinh Tourist đến khám phá và chiêm ngưỡng những sinh vật kỳ thú tại đây nhé!

Lịch sử thành lập khu bảo tồn biển tại “Đảo Ngọc” 

Vẻ đẹp hoang sơ của khu bảo tồn biển năm 2007
Khu bảo tồn biển Phú Quốc chính thức thành lập năm 2007

Vào năm 1994, các nhà nghiên cứu đa dạng sinh học trong chương trình của WWF Đông Dương và Viện Hải Dương học đã tiến hành khảo sát tại một nhóm đảo nhỏ thuộc vùng cảng An Thới thuộc đảo Phú Quốc. Từ những kết quả thu được cho thấy vùng biển này sở hữu lượng sinh vật phong phú và đa dạng cần được bảo tồn, hai cơ quan đã thống nhất đề nghị thành lập khu bảo tồn biển An Thới. Tới năm 1998, khu bảo tồn biển Phú Quốc đã được Bộ Khoa Học - Công Nghệ và Môi Trường (cũ) đề xuất thành lập. Theo những tài liệu còn ghi lại, đề xuất năm đó chưa được ghi rõ ràng về tổng diện tích của khu bảo tồn. Không lâu sau đó vào năm 1999, Ngân hàng phát triển Châu Á đã có đề xuất sáp nhập kết hợp khu bảo tồn thiên nhiên Phú Quốc và khu đề xuất bảo tồn biển An Thới thành một khu vực duy nhất với tên gọi Phú Quốc - An Thới. Khu này sẽ có diện tích gần 34.000 ha. Sau khi thảo luận và nghiên cứu, UBND tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định số 19/QĐ UBND ngày 03/01/2007 thành lập Khu bảo tồn biển Phú Quốc để bảo vệ diện tích cỏ biển và san hô hiện có ở vùng biển Phú Quốc.  Năm 2020, Vườn quốc gia Phú Quốc công bố Quyết định số 1890/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, phạm vi rà soát, phân vùng Khu bảo tồn biển thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc có tổng diện tích là 40.909,47 ha, bao gồm khu vực bảo vệ san hô và khu vực bảo vệ thảm cỏ biển, với 03 phân khu: Bảo vệ nghiêm ngặt; phục hồi sinh thái; dịch vụ - hành chính và thiết lập vùng đệm. 

● Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt

Phân khu này có diện tích 7.087,37 ha gồm: phần bảo vệ nghiêm ngặt thảm cỏ biển với 6.658,5 ở phía Đông Bắc đảo Phú Quốc. Phần bảo vệ này có giới hạn từ phía Nam cảng Đá Chồng đến mũi Cây Sao. Tiếp theo là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rạn san hô có diện tích 428,87 ha ở phía Nam đảo Phú Quốc, được giới hạn bởi các mốc tọa độ quanh 7 đảo. Cụ thể là các đảo như Hòn Vang, Hòn Xưởng, Hòn Móng Tay, Hòn Gầm Ghì, Hòn Vông, phía Nam Hòn Mây Rút trong, Hòn Trang được giới hạn từ bờ đảo ra phía biển từ 100 – 500m.  

● Phân khu phục hồi sinh thái

Phân khu thứ hai trong khu bảo tồn biển Phú Quốc này có diện tích 11.537,51 ha. Tương tự với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái bao gồm: phân khu phục hồi sinh thái thảm cỏ biển 11.362,83 ha với 2 khu vực chính nằm ở phía Đông Bắc đảo Phú Quốc; phân khu phục hồi sinh thái rạn san hô 174.68 ha nằm ở phía Nam đảo Phú Quốc. 

● Phân khu dịch vụ - hành chính

Phân khu cuối cùng này có diện tích là 9.817,02 ha. Phân khu sẽ bao gồm hai khu vực chính là phân khu dịch vụ – hành chính thảm cỏ biển 1.212 ha ở phía Đông Bắc đảo Phú Quốc và phân khu dịch vụ – hành chính rạn san hô 8.605,02 ha, ở phía Nam đảo Phú Quốc. Phần phân khu dịch vụ cho rạn san hô bao gồm diện tích mặt nước các luồng tàu từ ngoài vào trong bờ phủ rộng phạm vi qua mốc tọa độ tại Hòn Vang, Hòn Xưởng, Hòn Gầm Ghì, Hòn Vông và Hòn Mây Rút. Bên cạnh ba phân khu cụ thể, Khu Bảo tồn biển Phú Quốc còn thiết lập vùng đệm với diện tích 12.467,57 ha. Vùng đệm này được thiết lập nhằm mục đích hạn chế các tác động trực tiếp của các hoạt động kinh tế – xã hội từ bên ngoài gây ảnh hưởng tới vùng bảo tồn san hô và thảm cỏ biển. 

Hệ sinh thái phong phú 

Không phải tự nhiên mà khu bảo tồn biển Phú Quốc thu hút khách du lịch khắp nơi trên cả nước. Bởi lẽ biển Phú Quốc vốn được đánh giá là một ngư trường giàu có với trữ lượng cá lớn và đa dạng sinh vật biển như tôm, mực, ghẹ, ốc nhảy, trai ngọc, sò huyết, sò lông, nghêu lụa, bạch tuộc, hải sâm, cá ngựa v.v…  

Vẻ đẹp của những rặng san hô tự nhiên tại khu bảo tồn biển Phú Quốc
Rạn san hô tự nhiên tại Phú Quốc

Phía bắc của khu bảo tồn thuộc hai xã Hàm Ninh và Bãi Thơm, có vùng thảm thực vật biển rộng lớn, còn phía nam thuộc quần đảo An Thới với những rạn san hô lớn sinh sống. Các rạn san hô ở đây chính là “mái nhà” và là nguồn cung cấp thức ăn dồi dào cho các loài cá xung quanh. Tại đây có tới 98 loài tảo biển thuộc 51 giống khác nhau như tảo đỏ, tảo lục, tảo nâu. Động vật thân mềm có 132 loài sinh sống trong rạn san hô, phổ biến nhất là ốc đụn, ngọc trai, trai tai tượng vảy. Da gai có 32 loài, trong số ấy hải sâm là phong phú nhất. Đặc biệt tại vùng biển này còn ghi nhận có sự xuất hiện của những loài nằm trong danh mục bị đe dọa tuyệt chủng. Điển hình trong số đó như dugong - bò biển hay rùa biển và cá heo. Bên cạnh hệ sinh thái động vật đa dạng, tại đây còn có hệ thực vật phong phú như chín loài cỏ biển sinh sống. Chúng phân bố ở phía đông đảo và một ít ở bắc và nam đảo. 

Vai trò quan trọng của khu bảo tồn biển Phú Quốc

Khu bảo tồn biển Phú Quốc đóng vai trò vô cùng có quan trọng trong việc bảo tồn cũng như phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế biển và cải thiện sinh kế của người dân ven biển và hải đảo. Không chỉ vậy khu bảo tồn còn là nơi để nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng, giải trí, du lịch sinh thái và tìm hiểu những vấn đề về môi trường. Có thể nói, vùng biển Phú Quốc là món quà mà tạo hóa đã ban tặng cho Việt Nam. Bởi không chỉ mang vẻ đẹp kì vĩ của thiên nhiên biển đảo, nó còn là nơi tập trung nguồn giống, bãi ươm nuôi của các loài hải sản. Chúng đã được ngư dân nuôi trong những chiếc bè lồng giữa biển để tạo nguồn lợi thủy sản chất lượng cao cũng như giúp tạo ra công ăn việc làm ổn định cho người dân sinh sống tại nơi đây. Bên cạnh đó, Phú Quốc còn có rất nhiều loài cá rạn san hô có giá trị kinh tế cao như cá mù, cá hồng, cá kẽm, cá bè... Chúng đều được khai thác để phục vụ cho khối lượng nhu cầu lớn của thị trường. Bên cạnh đó một số loài động vật thân mềm quý hiếm cũng được chăm sóc, ươm giống hay nuôi cấy và phát triển ở đây. 

Nhiều lượt du khách đam mê lặn biển tại khu bảo tồn biển Phú Quốc
Khu bảo tồn đã trở thành điểm đến nổi tiếng cho những du khách đam mê lặn biển

Chính vì vậy, có rất nhiều du khách đã lựa chọn nơi này để khám phá. Tài nguyên biển phong phú nơi đây cùng với các rạn san hô nhiều màu sắc và hình thù đặc biệt, trải dài khắp các hòn đảo và các loài cá, cỏ biển… đã biến nơi này trở thành địa điểm thích hợp với những ai ưa thích lặn biển cũng như chiêm ngưỡng vẻ đẹp dưới đại dương.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mạng xã hội liên kết của HoaBinh Tourist

Khám phá 7 địa điểm hấp dẫn nhất Phú Quốc cùng HoaBinh Tourist

Vườn quốc gia Phú Quốc - Viên ngọc xanh vô giá của thành phố đảo